Tác giả: Duy Trinh - 09/01/2025
A A
Truy xuất nguồn gốc - Chìa khóa vàng nâng tầm giá trị nông sản Việt

Nỗ lực xây dựng chính sách truy xuất nguồn gốc

Những năm gần đây, sự toàn cầu hóa và xu hướng hiện đại hóa trong lĩnh vực nông lâm thủy sản đã mang đến không ít cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Với sự đa dạng trong nguồn cung nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngày càng mở rộng, việc đảm bảo minh bạch nguồn gốc sản phẩm trở thành yêu cầu cấp thiết. Người tiêu dùng không chỉ muốn biết sản phẩm mình sử dụng có an toàn không mà còn cần thông tin chính xác về nơi sản xuất, quy trình chăm sóc, thu hoạch và phân phối. Chính điều này đã thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng tầm nông sản Viêt. Ảnh minh họa

Dưới định hướng từ các chỉ thị quan trọng như Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” và Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư “Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trong đó nhấn mạnh “xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, đặt mục tiêu “đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa”. Đây là bước đi mang tính chiến lược nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá, hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện nay đã được xây dựng khá đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục như việc thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn, nông dân chưa quen với việc ứng dụng công nghệ, và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gặp khó khăn trong đầu tư hạ tầng công nghệ. Đặc biệt, đối với các ngành hàng chủ lực như thủy sản, cà phê hay gạo, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc trở nên ngày càng nghiêm ngặt để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế khó tính.

Những điển hình sáng tạo trong ứng dụng công nghệ

Tại tỉnh Sơn La, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp triển khai các giải pháp số hóa nhằm hỗ trợ nông dân và hợp tác xã (HTX). HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP là một ví dụ điển hình. Trước đây, các thành viên HTX phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công, gây khó khăn trong việc lưu trữ và quản lý. Nay, nhờ ứng dụng phần mềm nhật ký điện tử, việc cập nhật lịch sử canh tác trở nên dễ dàng hơn. Thành viên HTX chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quản lý quy trình sản xuất, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín và sức cạnh tranh.

Kết quả là sản phẩm của HTX như thanh long ruột đỏ đã được đưa vào các siêu thị lớn và xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc HTX, phần mềm còn giúp đối tác dễ dàng truy xuất thông tin chi tiết về sản phẩm qua mã vạch QR. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự tin cậy từ người tiêu dùng mà còn cải thiện mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.

Tại Quảng Trị, HTX Dược liệu Trường Sơn, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cũng đang áp dụng phần mềm Facefarm - một hệ thống dựa trên nền tảng Google Map, cho phép theo dõi nông trại và ghi lại nhật ký sản xuất trực tuyến. Facefarm không chỉ lưu trữ dữ liệu an toàn mà còn cung cấp thông tin chi tiết đến người tiêu dùng, từ quy trình canh tác đến vị trí vùng nguyên liệu.

Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ chia sẻ: "Trước đây, truy xuất nguồn gốc chỉ cung cấp thông tin đơn giản, nhưng nay với Facefarm, khách hàng có thể truy cập đầy đủ lịch sử từ lúc bắt đầu trồng đến khi thu hoạch". Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn và hỗ trợ cơ sở sản xuất, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào quản lý nông sản.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, TH True Milk cũng tiên phong trong việc ứng dụng blockchain và IoT để tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Công nghệ này giúp tạo ra hệ thống dữ liệu không thể thay đổi, giúp người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ số và truy xuất nguồn gốc không chỉ mang lại lợi ích về minh bạch thông tin mà còn gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tại Phú Yên, tỉnh đã thí điểm gắn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm hùm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin chi tiết, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình xuất khẩu. Tem truy xuất nguồn gốc này còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển và phân phối, tăng hiệu quả kinh tế.

Để đạt mục tiêu 100% thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Các chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực, xây dựng hạ tầng công nghệ, và tuyên truyền nâng cao nhận thức cần được đẩy mạnh. Đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC và MSC để sản phẩm Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Theo chuyên gia kinh tế, truy xuất nguồn gốc không chỉ là một giải pháp công nghệ mà còn là chìa khóa giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, giảm lãng phí tài nguyên và tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội.

Truy xuất nguồn gốc không chỉ là một giải pháp công nghệ mà còn là cam kết về chất lượng, minh bạch và trách nhiệm với người tiêu dùng. Để thương hiệu nông sản Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới, đây chính là "chìa khóa vàng" để mở ra những cơ hội phát triển bền vững. Bằng việc áp dụng công nghệ và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, ngành nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

Từ khóa :
CÁC TIN KHÁC