Tác giả: Mai Phương - 10/01/2025
A A
TCVN 13991:2024 tăng cường hiệu quả truy xuất nguồn gốc thủy sản

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13991:2024 đưa ra hướng dẫn truy xuất nguồn gốc thủy sản. (Ảnh minh họa)

TCVN 13991:2024 về Truy xuất nguồn gốc – Hướng dẫn truy xuất nguồn gốc thủy sản do ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/GS1 Mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn về cách xác định, định danh và theo dõi đối tượng truy xuất nguồn gốc, thành phần dữ liệu cần thu thập và lưu trữ đối với các bên tham gia vào chuỗi cung ứng thủy sản dùng cho người. TCVN 13991:2024 được áp dụng đối với thủy sản đánh bắt và nuôi trồng; không áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản đánh bắt và nuôi trồng sau: nhuyễn thể, động vật giáp xác và cá có vây.

Theo TCVN 13991:2024, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính là các yêu cầu pháp lý và nhu cầu minh bạch. Thứ nhất, về việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã là một yêu cầu theo Luật Thực phẩm Châu Âu áp dụng nguyên tắc “một bước trước - một bước sau” đối với thông tin người tiêu dùng và nhà cung cấp theo quy định. Do đó, đã có truy xuất nguồn gốc ở tất cả các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối từ đánh bắt hoặc thu hoạch đến bán lẻ.

Để giúp chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp từ vùng biển châu Âu, các biện pháp kiểm soát nghề cá, ngoài ra còn yêu cầu thông tin theo quy định về nghề cá và các sản phẩm nuôi trồng thủy sản phải có sẵn trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ở các khu vực pháp lý khác, có thể có các yêu cầu dữ liệu khác nhau và cũng có sự nhấn mạnh khác về các yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Thứ hai, về tính minh bạch, người tiêu dùng hiện nay ngày càng muốn biết rõ hơn về sản phẩm mà họ sử dụng, thông tin mà người tiêu dùng muốn biết có thể bao gồm: Tên chính xác của loài; Thủy sản được đánh bắt hay nuôi trồng; Thời gian đóng gói; Thời gian cấp đông; Ngư cụ được sử dụng; Nguồn gốc của thủy sản; Các biện pháp thực hành bền vững; Tác động đến môi trường.

Cũng theo TCVN 13991:2024, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng, mã truy vết vật phẩm phải được cấp ngay khi có thể. Đối với sản phẩm có nhãn hiệu, chủ nhãn hiệu có trách nhiệm cấp mã truy vết vật phẩm. Đối với các thương phẩm không có nhãn hiệu, mã truy vết vật phẩm cần được gán bởi bên đưa sản phẩm ra thị trường (có thể là cơ sở sản xuất/chế biến hoặc cơ sở bán buôn).

Khi cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối hoặc cơ sở dịch vụ ăn uống yêu cầu cho nhãn hàng riêng thì cơ sở bán lẻ, cơ sở phân phối hoặc cơ sở dịch vụ ăn uống trở thành chủ sở hữu nhãn hàng và có trách nhiệm định danh sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Nếu trong chuỗi cung ứng có một tổ chức tiếp tục chế biến và đóng gói sản phẩm thì tổ chức có trách nhiệm cấp mã truy vết vật phẩm và các thông tin truy xuất nguồn gốc.

 

Từ khóa :
CÁC TIN KHÁC