Tác giả: Bảo Anh - 09/08/2023
A A
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP


Lãnh đạo sở KH&CN, Sở Công Thương tham dự cuộc họp chuyển giao công nghệ TXNG cho doanh nghiệp sản xuất cơm cháy tại Ninh Bình

Với định hướng này, từ năm 2021 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch 08/KH-UBND - Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong đó, một trong những mục tiêu cụ thể quan trọng đến năm 2025 cần đạt được của tỉnh là xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ưu tiên hỗ trợ đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa tham gia vào Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn (OCOP) của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình, để đẩy mạnh hoạt động này, Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Trong đó, tập trung vào nhóm giải pháp thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các đối tượng liên quan và hỗ trợ hoạt động TXNG cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực, OCOP của địa phương. Hàng năm phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia thực hiện các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về TXNG. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng triển khai TXNG. Đến nay  Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Nghị quyết triển khai hỗ trợ về hoạt động TXNG và Sở KH&CN đã triển khai hai nhiệm vụ Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy và một số sản phẩm thảo dược của tỉnh Ninh Bình

Theo báo cáo của địa phương, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 20 cơ sở sản xuất cơm cháy, sản lượng hàng năm đạt 380-400 tấn. Các cơ sở chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tuy nhiên các doanh nghiệp đều đã có đầu tư trang thiết bị, dây truyền sản xuất công nghiệp, hiện đại. Ninh Bình có định hướng quản lý và phát triển đặc sản cơm cháy của địa phương theo chuỗi từ việc hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ để có thể dần xây dựng thương hiệu cơm cháy Ninh Bình chuyên nghiệp, minh bạch và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đề cập đến việc đưa sản phẩm cơm cháy của tỉnh Ninh Bình thành mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc, ông Thắng cho biết, xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn phát triển sản phẩm cơm cháy Ninh Bình, năm 2022 UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 530/QĐ-UBND phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN, trong đó nhiệm vụ Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy của tỉnh Ninh Bình” theo tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Đây sẽ là mô hình thí điểm cho các mô hình sản xuất cơm cháy tiêu biểu khác tại địa phương. Nhiệm vụ được giao trực tiếp cho Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia – là đơn vị được Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giao đầu mối, chủ trì chuyên môn triển khai Đề án 100 có trách nhiệm thực hiện.

Để thực hiện cho dự án thí điểm này, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cho biết đã sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC-Trace của Trung tâm đang vận hành. NBC-Trace được coi là giải pháp quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc, cầu nối thông tin minh bạch cho sản phẩm, hàng hóa.

Để có thể áp dụng hệ thống NBC Trace phù hợp cho từng doanh nghiệp sản xuất cơm cháy, chúng tôi đã xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng truy xuất nguồn gốc cho từng đơn vị, đồng thời triển khai nghiên cứu các module theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị và xây dựng quy trình sản xuất điện tử để sử dụng NBC Trace truy xuất nguồn gốc trên nền tảng website và điện thoại. Các doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn cài đặt, sử dụng và khai báo, cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc trên hệ thống này”, đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết.

Áp dụng TXNG sản phẩm cơm cháy, ngoài việc giúp minh bạch các thông tin về quá trình sản xuất, từ đó củng cố niềm tin và đảm bảo chất lượng, uy tín cho sản phẩm, một hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp và chuẩn hóa còn là tấm giấy thông hành đưa cơm cháy Ninh Bình tiến tới tiếp cận nhiều hơn nữa vào các hệ thống siêu thị và cửa hàng cung cấp lớn, mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao năng lực quản lý tổng thể, kiểm soát từng nút thắt trên toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo truy vết ngược, tìm hiểu nguyên nhân khi xảy ra vấn đề hay sự cố về an toàn, khoanh vùng và xử lý vấn đề tại gốc, không làm ảnh hưởng tới các hộ dân, khu vực sản xuất hay các công đoạn khác trong chuỗi.

Việc đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng sẽ giúp tăng cường quảng bá sản phẩm này gắn liền hơn nữa với du lịch và đây cũng là lời giải cho bài toán nâng cao vị thế, hình ảnh, thương hiệu của cơm cháy Ninh Bình”, ông Thắng nhận định.

Cán bộ Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia hướng dẫn doanh nghiệp kê khai, quản lý thông tin TXNG trên điện thoại

Hiện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và đã thực hiện chuyển giao, hướng dẫn áp dụng và vận hành, khai thác phần mềm phục vụ TXNG cho sản phẩm cơm cháy của các doanh nghiệp: Công ty cổ phần sản xuất và Thương mại Đại Long; Doanh nghiệp tư nhân thực phẩm Linh Phương; Công ty cổ phần sinh hóa Ninh Bình – CN 01. Từ mô hình thí điểm này, như một bước đệm làm căn cứ điển hình nhằm áp dụng vào các mô hình sản xuất, cung ứng tương tự trên địa bàn toàn tỉnh, đóng góp vào sự phát triển của các sản phẩm tương tự trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương.

 

 

Từ khóa :
CÁC TIN KHÁC