TCVN 14265:2025 về găng tay bảo vệ cho người làm việc với thuốc trừ sâu và sau phun
Cụ thể, TCVN 14265:2025 quy định các yêu cầu tính năng tối thiểu, phân loại và ghi nhãn đối với găng tay mà người làm việc với thuốc trừ sâu và người làm việc sau phun xử lý các sản phẩm thuốc trừ sâu phải đeo để bảo vệ bàn tay và cẳng tay khỏi tiếp xúc với các sản phẩm đó. Găng tay được quy định trong tiêu chuẩn này bao gồm găng tay làm bằng vật liệu đàn hồi và polyme ở những vùng tạo được sự bảo vệ.
TCVN 14265:2025 về găng tay bảo vệ cho người làm việc với thuốc trừ sâu và người làm việc sau phun.
Tiêu chuẩn này chia găng tay thành hai loại: găng tay bảo vệ toàn bộ bàn tay chống hóa chất và găng tay chỉ bảo vệ đầu ngón tay và lòng bàn tay (phù hợp cho một số nhiệm vụ sau phun). Găng tay giúp bảo vệ toàn bộ bàn tay bao gồm hai mức tính năng (G1 và G2) và một mức tính năng đơn (GR) dành cho găng tay phù hợp với một số nhiệm vụ sau phun. Mô tả ngắn gọn về hai loại được đưa ra dưới đây:
Găng tay chống hóa chất
Phải thử vật liệu cũng như toàn bộ găng tay đối với găng tay được phân loại là G1 và G2. Ngoài các thử nghiệm được thực hiện đối với găng tay chống hóa chất, các găng tay này còn được thử với chất thay thế thuốc trừ sâu.
Vì thành phần hoạt chất của thuốc trừ sâu thường là hóa chất có áp suất bay hơi thấp và/hoặc độ hòa tan thấp trong môi trường thu gom nên không thể sử dụng EN 16523-1:2015 để đo độ thẩm thấu của thành phần hoạt chất trong hầu hết sản phẩm thuốc trừ sâu. Do đó, ISO 19918 được sử dụng để đo độ thẩm thấu tích lũy của chất thay thế thuốc trừ sâu. Găng tay G1 cung cấp mức độ bảo vệ thấp hơn găng tay G2.
Găng tay G1 phù hợp khi rủi ro tiềm ẩn tương đối thấp. Găng tay này không phù hợp để sử dụng với các chế phẩm thuốc trừ sâu đậm đặc và/hoặc trong các tình huống tồn tại rủi ro cơ học. Găng tay G1 thường là găng tay sử dụng một lần.
Găng tay G2 phù hợp khi nguy cơ tiềm ẩn cao hơn. Găng tay này phù hợp để sử dụng với thuốc trừ sâu loãng cũng như đậm đặc. Găng tay G2 cũng đáp ứng yêu cầu về độ bền cơ học tối thiểu và do đó phù hợp với các hoạt động cần găng tay có độ bền cơ học tối thiểu.
Găng tay chống hóa chất có bảo vệ một phần
Găng tay GR chỉ bảo vệ phần lòng bàn tay của người làm việc sau phun tiếp xúc với dư lượng thuốc trừ sâu khô và khô một phần còn sót lại trên bề mặt thực vật sau khi sử dụng thuốc trừ sâu. Loại găng tay này chỉ thích hợp cho các hoạt động sau phun khi đã xác định việc bảo vệ được tạo ra cho các đầu ngón tay và lòng bàn tay là đủ. Găng tay này không được sử dụng thay cho găng tay G1 và G2 để bảo vệ toàn bộ bàn tay. Găng tay GR cũng có các tính chất cơ học cần thiết cho một số nhiệm vụ sau phùn. Vật liệu thoáng khí ở mu bàn tay mang lại sự tiện nghi.
Việc đăng ký các sản phẩm thuốc trừ sâu như thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ và thuốc diệt nấm, bao gồm việc đánh giá mức độ phơi nhiễm và rủi ro của người làm việc với thuốc trừ sâu và người làm việc sau phun, từ đó xác định nhu cầu về PTBVCN (bao gồm cả găng tay) cần thiết để giảm thiểu rủi ro.
Việc bảo vệ phải tương ứng với những rủi ro đã xác định để tránh mất đi sự thoải mái do bảo vệ quá mức. Các thử nghiệm thực tế tại hiện trường được sử dụng để xác định rủi ro cho người làm việc với thuốc trừ sâu khi xử lý chất cô đặc trong quá trình trộn/nạp và sử dụng thuốc trừ sâu pha loãng trong các tình huống khác nhau, cũng như rủi ro đối với người làm việc sau phun phơi nhiễm với dư lượng khô, khô một phần và ướt.
Vì quần áo bảo vệ có thể bị nhiễm bẩn theo nhiều cách khác nhau nên các phương pháp thử trong phòng thí nghiệm được sử dụng trong tiêu chuẩn đánh giá vật liệu và găng tay thay vì mô phỏng các điều kiện khác nhau tại hiện trường. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm thường là thử nghiệm gia tốc, do đó dữ liệu trong phòng thí nghiệm không thể được sử dụng để so sánh trực tiếp với dữ liệu hiện trường.