Tác giả: Thanh Tùng - 31/07/2023
A A
TCVN 11041-1:2017 - yêu cầu chung với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Những năm trở lại đây, diện tích trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại Việt Nam không ngừng tăng lên. Các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ cũng được ban hành nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ.

Trong đó có tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (thuộc bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 Nông nghiệp hữu cơ). Tiêu chuẩn này áp dụng đối với quá trình trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, nuôi trồng thủy sản hữu cơ và các sản phẩm từ quá trình nêu trên được sử dụng làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.

 Khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm. Ảnh minh họa.

Cụ thể, nông nghiệp hữu cơ là phương thức canh tác tái sử dụng một cách triệt để các nguồn hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất nông nghiệp như phân bón tổng hợp, thuốc bảo vệ thực vật, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và chất phụ gia trong thức ăn chăn nuôi.

Xét theo TCVN 11041-1:2017, nông nghiệp hữu cơ phải đáp ứng các mục tiêu sau: Áp dụng sản xuất hữu cơ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống; Đảm bảo độ phì nhiêu của đất lâu dài và dựa trên đặc tính sinh học của đất; giảm thiểu (và tránh dùng nếu có thể) vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất hữu cơ cũng như sự phơi nhiễm của con người và môi trường đối với các hóa chất bền hoặc có nguy cơ gây hại;

Giảm thiểu việc gây ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất đến môi trường xung quanh; Không sử dụng các công nghệ không có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ các sản phẩm từ kỹ thuật biến đổi gen, công nghệ chiếu xạ...); Tránh bị ô nhiễm từ môi trường xung quanh; Duy trì tính chất hữu cơ trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển.

Về khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.

Về sơ chế, trong quá trình sơ chế phải duy trì sự toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm. Các cơ sở phải có biện pháp nhằm ngăn ngừa ô nhiễm và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm hữu cơ với sản phẩm không hữu cơ. Không sử dụng các công nghệ không thích hợp như các sản phẩm, vật tư, nguyên liệu có nguồn gốc GMO ở tất cả giai đoạn sản xuất hữu cơ; không sử dụng bức xạ ion hóa (chiếu xạ) để kiểm soát sinh vật gây hại.

Về quá trình bao gói không được gây ô nhiễm cho sản phẩm. Vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm. Nên chọn vật liệu bao gói từ các nguồn có thể phân hủy bằng sinh học, được tái sinh hoặc có thể tái sinh.

Về ghi nhãn phải đáp ứng quy định nhãn hàng hóa và các quy định cụ thể như sau: Thứ nhất, nhãn sản phẩm phải liệt kê đầy đủ thành phần theo thứ tự từ cao đến thấp theo phần trăm khối lượng hoặc phần trăm thể tích. Đối với các thành phần là phụ gia thực phẩm phải ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS (nếu có); trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu thì ghi tên nhóm hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu, ghi tên chất (nếu có) và ghi thêm chất đó là chất “tự nhiên”, “giống tự nhiên”, “tổng hợp” hay “nhân tạo”... Thứ hai, nhãn sản phẩm phải có thông tin về nhà sản xuất, đóng gói hoặc phân phối và tên gọi và/hoặc mã số của tổ chức chứng nhận.

Ngoài ra, trong quá trình bảo quản và vận chuyển, phải duy trì sự toàn vẹn hữu cơ của sản phẩm. Cơ sở phải có các biện pháp để ngăn ngừa ô nhiễm do sản phẩm phơi nhiễm với các chất không được phép sử dụng và ngăn ngừa việc trộn lẫn sản phẩm hữu cơ với sản phẩm không hữu cơ.

Từ khóa :
CÁC TIN KHÁC