Quy trình kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia
Hiện nay, việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ chống giả, truy xuất nguồn gốc đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới, ngày 19/01/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia là một nền tảng số tập trung, cho phép người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý truy cập, kiểm tra thông tin chi tiết về nguồn gốc, quá trình sản xuất, phân phối của một sản phẩm cụ thể.
Nền tảng này đóng vai trò như cầu nối giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, đảm bảo tính minh bạch và tin cậy của thông tin sản phẩm.
Đến nay có trên 30 tỉnh, thành phố đã và đang xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm mục tiêu kết nối Cổng thông tin truy xuất.
Chia sẻ về cách thức và quy trình kết nối với Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia, ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã Vạch Quốc gia cho biết:
Đối với tổ chức, cá nhân đã có Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sẽ kết nối và chia sẻ với Cổng thông tin khi đáp ứng theo Thông tư 02/2024/TT-BKHCN;
Đối với tổ chức, cá nhân chưa có Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trước tiên cần xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng Thông tư 02/2024/TT-BKHCN, sau đó sử dụng nền tảng, hệ thống truy xuất nguồn gốc của bên thứ 3 đã đáp ứng theo TT 02/2024/TT-BKHCN.
Quy trình kết nối gồm 4 bước cơ bản: Địa phương/ Doanh nghiệp gửi Công văn tới Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia; Trung tâm tiếp nhận và cấp Client ID và Secret ID; Thực hiện kết nối kỹ thuật với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia; Kết nối dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia.
Cũng theo ông Chính, đến nay có trên 30 tỉnh, thành phố đã và đang xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; 17 tỉnh, thành phố có hệ thống truy xuất nguồn gốc và liên hệ với Trung tâm để được hỗ trợ kết nối: Cần Thơ, Đắk Nông, Sóc trăng, Cà Mau, Thái Bình, Hưng Yên, Long An, Cao Bằng, Hòa Bình, Trà Vinh, Vĩnh Long,…; 02 địa phương kết nối và đồng bộ dữ liệu lên Cổng thông tin; 13 địa phương thực hiện kết nối kỹ thuật với môi trường Cổng: Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, Đắk Nông, Cao Bằng,…