'Ba nhà' quyết tâm làm sinh học cho cây nhãn Ido
Mô hình sản xuất nhãn Ido sử dụng 100% phân bón, thuốc BVTV sinh học được "3 nhà" cùng nhau quyết tâm thực hiện ở HTX Nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ).
Sinh học 100%
"3 nhà" ở đây gồm cơ quan nhà nước, nhà vườn và doanh nghiệp. Mô hình này không chỉ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà còn chú trọng việc sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học để giảm sử dụng các loại phân bón và thuốc hóa học vốn đang có giá khá cao.
Ông Phạm Văn Lơ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nhĩa bên mô hình trình diễn sản xuất nhãn an toàn sử dụng phân thuốc sinh học.
Mô hình trình diễn sản xuất nhãn Ido an toàn tại HTX Nhãn Nhơn Nghĩa được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ và Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn. HTX được Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn cung cấp các loại phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học để thực hiện mô hình. Tham gia mô hình, nông dân cũng được tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học một cách hiệu quả để giảm chi phí, giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học.
Ông Phạm Văn Lơ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nhĩa cho biết: HTX hiện có 29 thành viên, với diện tích canh tác nhãn hơn 22,5 ha, trong đó chủ yếu là trồng giống nhãn Ido. Đây là loại nhãn cho năng suất, sản lượng rất tốt và hầu như không bị bệnh chổi rồng, lại có thể xử lý cho ra trái rải vụ quanh năm.
Từ hơn 2 năm nay, các thành viên tại HTX cũng đã thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, do thời gian qua còn phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng các loại thuốc BVTV và phân bón hóa học nên chi phí sản xuất còn cao, nhất là khi gần đây giá nhiều loại phân bón hóa học đã tăng cao gấp 2 - 3 lần so với những năm trước.
Theo ước tính của nông dân, nếu thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo hướng an toàn và giảm phân bón hóa học, nông dân có thể giảm hơn 20% chi phí sản xuất.
Do vậy, việc tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học vừa rẻ tiền mà mang lại hiệu quả thật cho nông dân. Từ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV sinh học để giảm mạnh lượng sử dụng phân thuốc hóa học, không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần quan trọng đảm bảo sản phẩm an toàn.
"Ước tính, nếu thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo hướng an toàn và giảm phân bón hóa học, nông dân có thể giảm hơn 20% chi phí sản xuất", ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nhĩa khẳng định.
Cục Bảo vệ thực vật đồng hành
Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết: Trong thời điểm hiện nay, giá phân bón hóa học và nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao đã và đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.
Ðể giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang tích cực phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình hiệu quả trong sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học nhằm giảm lượng sử dụng phân bón và thuốc hóa học. Qua đó, giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lãnh đạo Cục BVTV và Chi cục Trồng trọt - BVTV TP Cần Thơ đến tham quan mô hình trồng nhãn an toàn của của HTX Nhãn Nhơn Nghĩa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ngành nông nghiệp cũng mong muốn và khuyến cáo bà con nông dân mạnh dạn chuyển dần canh tác truyền thống sử dụng phân, thuốc hóa học nhiều năm nay sang sử dụng phân, thuốc sinh học để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững cho tương lai.
Cũng theo bà Thúy, để thực hiện các chỉ đạo của ngành nông nghiệp Cần Thơ và Bộ NN-PTNT, Chi cục đang tích cực hỗ trợ nông dân quản lý dư lượng thuốc BVTV; xây dựng mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học và sản xuất an toàn trên các loại cây trồng. Hướng tới là xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, cấp mã số vùng trồng để sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu.
Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cũng đã quan tâm phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để có những hỗ trợ cần thiết về tập huấn kỹ thuật; cung cấp các loại phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học giúp nông dân thực hiện các mô hình cụ thể trên nhiều loại cây trồng như lúa, cây ăn trái một cách hiệu quả, chất lượng sản phẩm và hướng đến xuất khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) hiện đang đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.
Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc BVTV (Cục BVTV) cho biết: Thời gian qua, Cục BVTV đã tích cực đồng hành cùng các địa phương trong nước và các doanh nghiệp ký cam kết nhằm phối hợp bốn nội dung chính. Thứ nhất là tập huấn sử dụng dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả cho người buôn bán thuốc BVTV, các đại lý và cho người nông dân.
Thứ hai, xây dựng các mô hình về sử dụng thuốc BVTV sinh học, sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả nhằm giảm thiểu chi phí vật tư đầu vào. Thứ ba là thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nhằm bảo vệ môi trường và thứ tư là phát triển sản xuất các loại thuốc BVTV sinh học như đăng ký các thuốc BVTV sinh học, nâng công suất sản xuất…
Nông dân trong mô hình sản xuất nhãn an toàn tại HTX Nhãn Nhơn Nghĩa đều sử dụng hệ thống phun tưới tự động. Ảnh: Ngọc Thắng.
Công ty Cổ phần BVTV Sài Gòn, một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất thuốc BVTV đang tiên phong mang tới các sản phẩm thuốc BVTV sinh học tốt nhất đến với bà con nông dân vùng ĐBSCL.
Ông Hà Quý Mai, Phó trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Cổ phần BVTV Sài Gòn) chia sẻ: Thực hiện theo các chương trình, chủ trương của Nhà nước và nội dung cam kết với Cục BVTV, Công ty đang tích cực sản xuất và phối hợp với nông dân, ngành chức năng tại các địa phương để tăng cường đưa ra thị trường các sản phẩm phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học.
Ðồng thời, phối hợp hướng dẫn bà con sử dụng thuốc BVTV an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn. Thời gian qua, Công ty đã phối hợp với nhiều nông dân và ngành nông nghiệp TP Cần Thơ thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ.
Tiếp nối thành công từ mô hình trên cây lúa, Công ty tiếp tục nhân rộng, hỗ trợ nông dân trồng nhãn tại huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) thực hiện mô hình trình diễn sản xuất nhãn an toàn và tới đây dự kiến còn làm thêm nhiều mô hình trên các loại cây trồng khác.