Đã phê duyệt
Doanh nghiệp
HTX Thúy Giang
Tên giao dịch
Thương hiệu
Thanh nhãn Thúy Giang
Mã số thuế
Điện thoại
0918373633
Email
Website
Hotline
Địa chỉ
258 khu vực Phú Thành, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TPCT
FaceBook
Youtube

HTX Thúy Giang ‘lên đời’ nhờ cây nhãn hữu cơ

Thanh nhãn - một giống nhãn mới xuất hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được ông Phạm Quang Đạm, Giám đốc HTX Thúy Giang (phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) trồng có giá cao gấp 2 - 3 lần nhãn thông thường.

Xuất thân từ một gia đình nông dân, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, quay lại với mảnh vườn nhà rộng 7.000m2 trồng đủ loại cây, ông Đạm nhìn thấy một triển vọng trang trại chuyên canh trên mảnh đất trù phú ven sông Hậu. Ông liền mua đất dần dần để mở rộng diện tích cây cam sành.

Loại cây trồng có lợi nhuận cao

Thời kỳ đó, vùng đất này đã xuất hiện nhiều tỷ phú cam sành nhưng có vẻ như cái duyên với cây cam lại không đến với ông Đạm. Được người quen giới thiệu thanh nhãn do một nữ chủ vườn nhãn ở Bạc Liêu lai tạo, ông tìm đến và bị thuyết phục hoàn toàn bởi thứ quả to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước.

Ông Đạm là người trồng thanh nhãn đầu tiên trên vùng đất Tân Phú (Ảnh: Tư liệu)

"Tôi đã tìm đến Bạc Liêu, ăn thử vài trái thanh nhãn và bị thuyết phục ngay vì ưu điểm của loại nhãn này là trái to, cơm dày, hạt nhỏ, ráo nước, không ngọt lịm như nhãn long hay da bò mà chỉ ngọt thanh. Đặc biệt, thanh nhãn không bị bệnh chổi rồng, một loại bệnh từng ám ảnh các nhà vườn trồng nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long", ông Đạm cho biết.

Thấy nhiều điểm vượt trội, ông mua 1.300 gốc về vườn nhà trồng trên diện tích hơn 15 công. Theo ông Đạm, thanh nhãn không tốn công chăm sóc và tiết kiệm được nhiều chi phí. Giống nhãn này không cần xử lý ra hoa, đến mùa là nhãn tự ra hoa cho trái và một năm chỉ thu hoạch 1 đợt vào khoảng tháng 5 âm lịch.

Để tạo ra thứ thanh nhãn chất lượng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, ông Đạm trồng nhãn theo hướng hữu cơ và bón phân sinh học. Cây nhãn giống trồng khoảng 18 tháng sau là cho thu hoạch trái. Đợt thu đầu tiên, 1 cây cho ra khoảng 20kg trái, bán với giá khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg. Mức giá này được ông Đạm đánh giá cao gấp 2 - 3 lần so với nhãn long hoặc nhãn da bò.

Sau mùa thu hoạch đó, ông Đạm mua thêm gần 3.000 gốc nhãn trồng trên diện tích 17 công. Thấy đây là loại cây trồng có lợi nhuận cao nên ông Đạm đã vận động thành lập HTX Thúy Giang với 13 thành viên, trồng thanh nhãn trên diện tích 12 ha. Các thành viên HTX đã đồng ý hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, bằng cách chăm sóc vườn cây trái theo quy trình an toàn và gìn giữ môi trường vùng ngoại ô xanh sạch như lâu nay.

Gìn giữ môi trường

Để làm được điều đó, HTX đã trở thành đơn vị đầu tàu trong sản xuất, tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo đó, trồng thanh nhãn không cần dùng thuốc kích thích ra hoa, chỉ bón phân hữu cơ, cắt tỉa tán, nuôi cây lúc trổ bông, đậu trái, nuôi trái và chăm sóc sau thu hoạch đúng kỹ thuật. Trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được HTX áp dụng nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp), qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Quy trình sản xuất hữu cơ cũng mở ra một cuộc bứt phá để những nhà vườn mở con đường sống với du lịch. Trong giấy phép hoạt động, HTX Thuý Giang có ghi một loại hình kinh doanh là phát triển du lịch cộng đồng. Những vườn cây trái nhiều chủng loại với đặc sản thanh nhãn chính là thế mạnh trong khai thác du lịch ở đây. Đó chính là định hướng phát triển của một HTX còn non trẻ cách nội ô Ninh Kiều chỉ 6 – 7 cây số.

Bằng cách làm như vậy, HTX đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho thành viên, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Từ lợi nhuận kinh tế và môi trường của cây thanh nhãn, quận Cái Răng dự kiến năm nay sẽ mở rộng diện tích trồng nhãn lên 50 ha và hướng đến thị trường xuất khẩu Ấn Độ, Hàn Quốc.