Cờ Đỏ: Nông dân hồ hởi tham gia mô hình lúa hữu cơ
Giảm chi phí 320 nghìn đồng/công
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Xuất phát từ định hướng đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) TP Cần Thơ phối hợp với Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Cờ Đỏ đã triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa bền vững theo hướng hữu cơ” tại HTX Toàn Phát, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ nhằm thay đổi nhận thức, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến nông dân.
Mô hình được thực hiện với quy mô 10 ha, sau khi chọn điểm trình diễn, Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cùng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Cờ Đỏ đã tiến hành tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng hữu cơ. Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ dân đã áp dụng theo quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng lượng giống gieo sạ thấp từ 12 - 14 kg/công, áp dụng công cụ sạ hàng, tưới ngập - khô xen kẽ, sử dụng 100% phân hữu cơ, giảm từ 2 - 3 lần phun thuốc BVTV...
Ông Nguyễn Danh Dũng ở ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ) có 4ha lúa canh tác theo mô hình hướng hữu cơ phấn khởi cho biết: Gần 30 năm làm lúa, bà con ở địa phương toàn sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học "từ A đến Z" nên nhiều năm nay làm lúa không còn trúng mùa nữa. Nhiều vụ sâu bệnh tấn công khiến nhiều nông dân xót ruột phải rất nhiều tiền để mua thuốc BVTV phòng trừ.
"Thực tế, nếu tính toán kỹ cho thấy đầu tư phân bón, thuốc BVTV càng nhiều thì cuối vụ không còn lãi bao nhiêu, bởi chi phí vật tư ăn hết cả lợi nhuận. Riêng ở vụ lúa đông xuân vừa rồi, giá vật tư tăng cao, gia đình tôi thấy vậy đành phải bỏ công sức ra nhiều hơn để chăm sóc lúa nhằm giảm tối đa chi phí nhân công thuê mướn, nhưng cuối vụ cũng chỉ lãi khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/công", ông Dũng bộc bạch.
Vụ lúa hè thu năm 2022, gia đình ông Dũng được ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ chọn làm mô hình trình diễn trồng lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 4ha, trồng giống lúa OM 5451. Ruộng lúa của ông đến nay đã 53 ngày tuổi, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, trên đồng ruộng rất ít sâu bệnh và chưa phải phun thuốc BVTV lần nào.
Ông Dũng chia sẻ: Từ khi bắt tay vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bà con khoái nhất là được các kỹ sư ngành nông nghiệp từ cấp huyện đến cấp tỉnh cứ cách nhau 2 - 3 ngày là xuống thăm đồng, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa tận tình cho bà con.
Cái lợi tiếp theo là nông dân giảm được lượng giống gieo sạ khá lớn, thay vì trước đây sử dụng 25kg lúa giống/công thì nay đã giảm xuống còn 12 - 14 kg/công. Từ việc giảm giống, sạ thưa nên lượng phân bón cũng giảm theo, thay vì trước đây 1 công lúa (1.000m2) phải sử dụng 60kg phân bón/vụ, nay chỉ cần 50kg phân hữu cơ là đủ, lúa vẫn luôn xanh tốt.
Ông Nguyễn Danh Dũng đánh giá, đến thời điểm này, việc áp dụng trồng lúa theo mô hình hướng hữu cơ đã giúp lúa ít sâu bệnh, giảm được chi phí khoảng 320.000 đồng/công so với cách sản xuất lúa theo truyền thống chỉ sử dụng phân bón hóa học. Chính vì vậy, vụ lúa hè thu năm nay ông Dũng và nhiều nông dân khác trong huyện kỳ vọng vụ sẽ đem lại năng suất cao.
Mở rộng mô hình lúa hữu cơ
Bà Nguyễn Thị Bích Trân, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết: Hiện nay, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đang chuyển hướng khuyến khích, hướng dẫn nông dân sang hình thức canh tác lúa hữu cơ để giảm lượng phân vô cơ bón vào đồng ruộng, đảm bảo tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, đồng thời cải thiện tính chất dinh dưỡng trong đất trồng lúa thâm canh.
Bên cạnh đó, việc chuyển hướng sử dụng phân hữu cơ bón lót đầu vụ đã giảm được lượng phân bón vô cơ. Việc hướng dẫn cho nông dân thực hiện bón phân cân đối cũng giúp sâu bệnh hại trên đồng ruộng thấp. Cụ thể như mô hình của nông dân Nguyễn Danh Dũng đầu vụ bón lót 20kg phân hữu cơ/công, giảm 5 - 10% lượng phân hóa học sử dụng. Đến nay lúa đã 53 ngày tuổi, sâu bệnh hại rất ít xuất hiện trên đồng và chưa phải phun thuốc BVTV lần nào. Điều này sẽ góp phần bảo vệ được thiên địch trên đồng ruộng và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Qua theo dõi mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ hè thu, đến thời điểm này đã giúp nông dân giảm được chi phí đầu vào trong sản xuất khá lớn so với cách sản xuất truyền thống chỉ dùng phân bón hóa học. Đây có thể xem mô hình rất phù hợp trong thời điểm hiện nay, vì giá cả vật tư nông nghiệp đều tăng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Trân, để mô hình đạt kết quả tốt, hiện Trạm Trồng trọt và BVTV Cờ Đỏ cùng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ đang tích cực theo dõi mô hình thí điểm này để có những ghi nhận cụ thể hơn sau khi kết thúc vụ hè thu. Qua đó, sẽ có những đánh giá về năng suất và chi phí đầu tư cũng như lợi nhuận đạt được nhằm có cơ sở khuyến khích nông dân nhân rộng.
Đây sẽ là những bước đi đầu tiên của nông dân huyện Cờ Đỏ trong quá trình chuyển từ sản xuất lúa truyền thống sang hình thức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái đồng ruộng bền vững, sản xuất ra sản phẩm lúa gạo an toàn, giá trị cao.
"Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã giúp các hộ dân tại địa phương cảm nhận được nguy cơ của việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học, ảnh hưởng tới chất lượng nông sản, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, việc triển khai mô hình đã được các hộ dân đồng tình hưởng ứng rất cao.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ triển khai tại địa phương đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra một hướng canh tác bền vững cho địa phương. Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ triển khai nhiều mô hình như thế để nông dân dựa trên cơ sở đó học hỏi làm theo và nhân rộng" bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết.
Theo NNVN