Giá đỗ là loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay người tiêu dùng rất lo ngại trước tình trạng sản xuất giá đỗ sử dụng chất kích thích, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Chị Nhung chia sẻ, trước đây, chị bán rau củ ngoài chợ. Năm 2011, sau khi sinh con đầu lòng, chị ở nhà làm nội trợ. Thời gian đó, chị được mẹ dạy cho cách làm giá đỗ và chị bắt đầu làm giá bán lẻ tại nhà và tìm một số đầu mối tiêu thụ từ 2015. Thời gian đầu, mỗi ngày, chị bán được khoảng 100 - 200kg giá thành phẩm. Sản phẩm giá đỗ của chị Nhung được làm theo phương pháp truyền thống, đảm bảo nghiêm ngặt tiêu chí vệ sinh, an toàn thực phẩm do đó được bà con và người tiêu dùng tin cậy.
Tháng 8/2016, chị Nhung đăng ký cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ và được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Cần Thơ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Chị Nhung cho biết, để làm giá theo phương pháp truyền thống mà có năng suất, chất lượng cao, việc đầu tiên phải chọn loại đậu làm giá có nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng cao, ngâm vào lu sành chứa nước vôi loãng lắng lọc khoảng 5-6 tiếng để đậu mọc mầm. Sau đó, úp lu và 1 ngày cho giá “uống nước” 4 lần. Thực hiện đúng quy trình trên, sau 5 ngày là được thu hoạch giá. 1 kg đậu cho thu hoạch 7-8kg giá. Đặc biệt, điều quan trọng là sau mỗi đợt làm giá phải vệ sinh sạch sẽ các lu sành.
Mong muốn tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất, chị Hồng Nhung nghiên cứu, học hỏi để tiếp tục phát triển cơ sở làm giá đỗ. Chị chăm chỉ mày mò học thêm các cách làm giá sạch năng suất cao trên mạng internet, đồng thời tham khảo công nghệ sản xuất giá từ Nhật, chị Hồng Nhung mạnh dạn đổi mới cách sản xuất giá đỗ từ lu sang bồn.
Chị Nhung kể: “Ban đầu, tôi mua 4 bồn nhựa lớn loại 1.000 lít về ủ đậu; đồng thời, gắn hệ thống vòi phun nước hoa sen tự động. Áp dụng đúng quy trình nhưng mẻ giá nào cũng thất bại... Lại tìm hiểu, lại mày mò thử nghiệm nhiều cách làm khác nhau mà vẫn không thành công”. Suốt 3-4 tháng trời thất bại, người thân nhiều lần khuyên chị quay về cách sản xuất truyền thống, an toàn nhưng chị vẫn quyết tâm không ngừng tìm cách cải tiến sản xuất.
Chị nhớ lại: “Tết 2017, thời tiết khá lạnh nên việc sản xuất giá đỗ thành công, đạt năng suất cao. Điều đó đã nảy ra trong đầu tôi việc đầu tư nhà xưởng khép kín, gắn máy điều hòa nhiệt độ và gắn cả máy phun sương để sản xuất giá. Rất nhiều người ngạc nhiên và phản đối nhưng tôi vẫn làm”.
Chị đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng quy mô 135m2, lắp đặt 64 bồn nhựa ủ đậu song song với việc vẫn duy trì sản xuất giá truyền thống với 150 lu sành nhỏ. Quy trình sản xuất giá đỗ khép kín không chỉ giúp giá đạt năng suất giá cao hơn mà còn giảm được nhân công. Toàn bộ khâu tưới nước sử dụng hệ thống vòi hoa sen; mỗi bồn ủ đậu đều gắn van xả nước nên việc sản xuất giá giờ rất nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, do nhiệt độ lạnh vừa đủ nên giá phát triển tốt hơn. So với cách làm giá truyền thống, từ khâu ủ đậu đến khâu thu hoạch giá thành phẩm qua hệ thống khép kín rút ngắn còn 4 ngày…”.
Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở sản xuất giá đậu của chị Hồng Nhung bán ít nhất trên 1 tấn giá, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt trên 2 triệu đồng/ngày. Con số này thật sự ấn tượng so với quá trình mới 2 năm khởi nghiệp của nữ chủ nhân Hồng Nhung.
Với thành công này, chị Hồng Nhung là một những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu được Hội LHPN TP Cần Thơ khen thưởng năm 2018.
Hồng Vân