Tác giả: Q.T - 05/07/2023
A A
Cấp và quản lý, giám sát để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp mã số vùng trồng

Việc xây dựng mã số vùng trồng đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn có tình trạng mã số vùng trồng bị gian lận hoặc bị thu hồi đang tăng cao. Lãnh đạo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, có hơn 710 mã số vùng trồng đã bị thu hồi. Mã số vùng trồng trên cả nước bị thu hồi tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận… trong đó phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Nhiều diện tích sầu riêng đã cấp mã số vùng trồng và được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp. Điều này dẫn đến các vùng trồng cũ không được giám sát nghiêm ngặt, không ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, thường xuyên thiếu nhiều thông tin hay thông tin không thống nhất trong hồ sơ hoặc thực tế kiểm tra.

Đáng nói, nhiều mã vùng trồng cũng chưa áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, chưa có biện pháp quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Nói về giải pháp nâng cao hoạt động quản lý mã số vùng trồng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo, song song với việc thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ vùng trồng đến đóng gói, xuất khẩu, Bộ đang tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai hiệu quả việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Cùng với đó, tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan có trách nhiệm của nước nhập khẩu nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, giảm thiểu rủi ro cho nông sản xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp, hợp tác xã cần có nhận thức đúng về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Từ đó chủ động liên kết với vùng trồng, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, không để tình trạng mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm.

Trước đó Bộ NN&PTNT có Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Nội dung nêu rõ: Các hiệp hội ngành hàng tăng cường tuyên truyền quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Đặc biệt là kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đồng thời, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tích cực tham gia phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại địa phương phục vụ xuất khẩu.

 
Từ khóa :
CÁC TIN KHÁC