Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra tiềm năng của Halal, cụ thể Malaysia sắp công bố Kế hoạch Tổng thể Ngành Công nghiệp Halal 2.0 nhằm hướng đến một Malaysia Halal nổi bật, có tầm ảnh hưởng và toàn cầu hóa hơn; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế Hồi giáo, tập trung vào Tài chính Hồi giáo và Halal.
Còn Nhật Bản tuyên bố Halal được xác định là một nguồn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, với Thế vận hội Mùa hè 2020 là chất xúc tác; Thái Lan là một trong những nhà sản xuất thực phẩm chế biến Halal lớn nhất thế giới và định vị thương hiệu của mình là “Nhà bếp của thế giới”.
Úc là quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn nhất sang các nước Trung Đông; Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những điểm đến du lịch chính dành cho du khách Hồi giáo; Brazil là nhà cung cấp gia cầm Halal lớn nhất cho các nước Trung Đông.
Khi nhìn vào tiềm năng phát triển của Halal có rất nhiều thứ để bàn đến như: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% đến 7% mỗi năm cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao. Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong sản xuất các sản phẩm cuối cùng.
Việt Nam cũng được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.
_(1)_high.jpg)
Ảnh minh họa.
Theo ông Ramlan Bin Osman - Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HACERT), điều kiện tiên quyết để chứng nhận Halal đó chính là phải đạt được chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm, trong đó có thể là chứng nhận của HACCP, GWP, ISO, FDA,… Việt Nam có cơ hội lớn tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn.
“Với tiềm năng và thị trường như hiện nay đã đến lúc Việt Nam vươn mình phát triển trong thị trường Halal”, ông Ramlan Bin Osman khẳng định.
Liên quan đến trách nhiệm lãnh đạo khi áp dụng chương trình Halal, ông Ramlan Bin Osman cho biết, các trụ cột để thực hiện Halal bao gồm kiến thức, sự cam kết và sự chân thành. Khi thực hiện áp dụng có thể tham khảo về trách nhiệm lãnh đạo tại tiêu chuẩn MS 1500 của Indonesia.
Về yêu cầu khi thực hiện chương trình Halal, Ban quản lý phải thành lập một ban gồm các nhân viên Hồi giáo, những người có trách nhiệm đảm bảo hiệu quả trong thực hiện hệ thống kiểm soát Halal nội bộ; Ban quản lý phải đảm bảo các thành viên trong ban Halal được đào tạo về các nguyên tắc Halal và cách áp dụng; Ban quản lý phải chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (cơ sở vật chất, tài chính và cơ sở hạ tầng) để triển khai hệ thống kiểm soát Halal.
Cũng theo ông Ramlan Bin Osman, chức năng và vai trò của Ban Halal nội bộ đó chính là xây dựng chính sách Halal; Thực hiện hoạt động đánh giá nội bộ về Halal và thực hành Halal tốt trong tổ chức, trong đó gồm: Nguyên liệu thô, quy trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ, các thực hành sản xuất tốt.
Về xem xét lãnh đạo, có thể xem xét định kỳ của ban lãnh đạo để đảm bảo tính phù hợp, đầy đủ, phản hồi, hiệu quả của các thực hành Halal; Bao gồm tất cả thành viên của Ban Halal Nội bộ và ban quản lý; Thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển, triển khai, bảo trì và đánh giá thực hành Halal; Đánh giá các cơ hội để cải thiện thực hành Halal.
Có thể nói, tính toàn vẹn của Halal là trách nhiệm của mọi người trong tổ chức, mọi người trong tổ chức phải hiểu rõ khái niệm về Halal.
Tiến sỹ Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA) đánh giá việc thành lập HACERT là cột mốc quan trọng, cho thấy Việt Nam đã định vị mình là nguồn cung ứng thực phẩm Halal đáng tin cậy, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, ông cho rằng yêu cầu với sản phẩm Halal như sự tinh khiết, các chuẩn mực đạo đức, ứng xử phù hợp với thiên nhiên cũng là những yếu tố đã ăn sâu vào văn hóa Việt Nam. Những điều này mang cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để lồng ghép các tiêu chuẩn Halal vào sản phẩm của Việt Nam.
"Việt Nam đang nổi lên là mắt xích rất quan trọng cho chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Với các lợi thế của mình, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất và phân phối các sản phẩm Halal", Tiến sỹ Yousif S.AlHarbi nói.