Nhiều doanh nghiệp triển khai thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc, nâng tầm thương hiệu sản phẩm

Theo kế hoạch Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025, tính đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc tại tỉnh Cà Mau đã triển khai cho 39 sản phẩm đặc trưng (bao gồm 20 sản phẩm OCOP và 19 sản phẩm Nhãn hiệu) thuộc 38 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, với hơn 60,000 tem truy xuất nguồn gốc Blockchain được phát hành.

Một trong những sản phẩm áp dụng hiệu quả có thể kể đến như: bánh phồng tôm Cái Bát, bồn bồn Cái Nước, mắm cá lóc Thới Bình, đũa đước Chí Nguyện, tôm khô Sông Đầm, cam sành 3 Tình, trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh, cá khô bổi U Minh,...

Trao đổi với nhóm dự án, anh Đỗ Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại Hùng Khánh, cho rằng: “Đăng ký áp dụng giải pháp Truy xuất nguồn gốc là một quyết định đúng đắn, vì đây là công nghệ hiện đại mang đến độ tin cậy cao của sản phẩm trà xạ đen túi lọc đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thông qua tem truy xuất sản phẩm, có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chống sự giả mạo, tạo uy tín cao cho sản phẩm. Tất cả thông tin về sản phẩm được hiển thị trên cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh, từ đó, người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm”. 

Đại diện công ty CP Vietnam Blockchain đang tập huấn anh Đỗ Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại Hùng Khánh.

“Tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại tỉnh đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng chuyển đổi số của công ty. Với hiệu quả như hiện nay, công ty sẽ tiếp tục duy trì và sử dụng lâu dài hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm mà mình cung cấp”, anh Khánh chia sẻ.

Sản phẩm trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh được dán tem QR truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Cũng là một doanh nghiệp được chọn để triển khai truy xuất nguồn gốc, Hợp tác xã nông nghiệp cá khô bổi Tư Hùng tham gia chương trình với mong muốn có thể mang đến cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm chỉn chu, hoàn thiện hơn về truy xuất nguồn gốc so với các nhà cung cấp khác.

Sản phẩm cá khô bổi Tư Hùng được dán tem QR truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Qua thời gian triển khai thực tế giải pháp truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cá khô bổi U Minh, anh Từ Thanh Hào - đại diện Hợp tác xã nông nghiệp cá khô bổi Tư Hùng, cho biết: “Thông qua tem QR được dán ngoài bao bì sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể biết được một cách rõ ràng thông tin từ các khâu trong quy trình sản xuất, ngày sản xuất, tích hợp câu chuyện sản phẩm. Bên cạnh đó, nhờ vào biểu tượng tỉnh Cà Mau trên tem thiết kế, du khách cũng dễ dàng biết đến sản phẩm là một trong những đặc sản của tỉnh nhà”.

Về lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc lên bao bì sản phẩm, anh Nguyễn Đức Hiệp - Đại diện Công ty CP Vietnam Blockchain (VBC), nhận định rằng: “Việc dán tem QR truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm giúp truyền tải đầy đủ thông tin không thể hiện rõ được hết trên con tem đến người tiêu dùng. Sau khi quét mã QR trên tem, người tiêu dùng hoàn toàn nắm rõ được những thông tin về sản phẩm, chứng nhận chất lượng (OCOP, nhãn hiệu,…) và toàn bộ chi tiết công đoạn trong quy trình sản xuất. Tất cả thông tin đều được ghi nhận rất rõ ràng theo thời gian thực tế và xác thực trên nền tảng Blockchain, nên người tiêu dùng có thể tin tưởng và an tâm khi sử dụng sản phẩm”.

Nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động từ cơ quan, ban, ngành tỉnh Cà Mau, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại tỉnh. Sau khi được phê duyệt và tập huấn kỹ càng, các doanh nghiệp đều sử dụng phần mềm hiệu quả và cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc xuyên suốt lên hệ thống để truyền tải đến người tiêu dùng thông qua Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau (https://txng.camau.gov.vn/).

Việc triển khai truy xuất nguồn gốc thành công góp phần giúp thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao uy tín thương hiệu trên thị trường, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại.


Top