Không ít KOLs – những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã bất chấp tất cả vì lợi nhuận, sẵn sàng quảng cáo các sản phẩm mà họ chưa từng kiểm chứng. Điều này dẫn đến hệ quả nghiêm trọng, hàng loạt vụ lừa đảo thương mại, khiến khách hàng rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao khi một số KOLs nổi tiếng như Quang Linh, Hằng Du Mục phải cúi đầu xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật. Sự việc một lần nữa làm dấy lên câu hỏi: Liệu chúng ta có thể tin vào những gì mình thấy trên livestream? Và ai sẽ chịu trách nhiệm khi người tiêu dùng trở thành nạn nhân?
Trước đó, cuối năm 2023, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên Shop) tại Thành phố Pleiku, Gia Lai – một cơ sở chuyên livestream bán hàng với hàng trăm nghìn người theo dõi trên Facebook. Điều bất ngờ là shop này không hề có cửa hàng cố định mà hoạt động hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến.
Khi kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, từ nước hoa, giày dép, túi xách mang nhãn Gucci, Chanel, Nike, Adidas đến mỹ phẩm Vaseline, Bioderma và thực phẩm chức năng. Đáng chú ý, các sản phẩm này được rao bán với mức giá siêu rẻ: giày chỉ từ 80.000 đồng, đồng hồ và kính mắt từ 30.000 đồng, mỹ phẩm từ 20.000 đồng. Điều này dấy lên nghi vấn lớn về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm.
Chị N.H.N (34 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) là một trong những nạn nhân của chiêu trò livestream bán hàng kém chất lượng. Ban đầu, chị bị cuốn hút bởi lối nói chuyện đầy thuyết phục của người bán. Họ liên tục nhấn mạnh rằng đây là hàng chính hãng, giá ưu đãi đặc biệt chỉ áp dụng trong livestream.
Cẩn trọng với những lời mời chào mua sắm hấp dẫn từ livestream. (Ảnh minh họa).
"Không muốn bỏ lỡ cơ hội, tôi nhanh chóng đặt hàng với niềm tin mình đã săn được món đồ chất lượng với giá hời. Nhưng khi nhận hàng, tôi hoàn toàn sụp đổ. Sản phẩm bên ngoài trông rẻ tiền, khác xa những gì đã được quảng cáo. Chất liệu kém, thiết kế không giống trên livestream, thậm chí có dấu hiệu là hàng nhái. Cảm giác hụt hẫng và tức giận tràn ngập khi tôi cố liên hệ với shop để phản hồi, nhưng tất cả tin nhắn đều bị ngó lơ, số điện thoại không thể liên lạc được", chị N. bức xúc chia sẻ khi mua trang phục, mỹ phẩm không giống như trên các phiên live.
Sự việc này không chỉ khiến chị N. mất tiền mà còn khiến chị mất đi niềm tin vào việc mua hàng trực tuyến. "Sau bài học đắt giá này, tôi tự nhủ sẽ cẩn trọng hơn, chỉ mua hàng từ những nơi uy tín, có chính sách bảo hành rõ ràng để tránh bị lừa thêm một lần nữa", chị nói thêm.
Từ những câu chuyện trên có thể thấy livestream đang trở thành con dao hai lưỡi. Một mặt, đây là kênh tư vấn chuyên nghiệp, minh bạch, mang đến lợi ích thực sự cho người mua, là công cụ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả. Tuy vậy, khi livestream chỉ tập trung vào lợi nhuận mà thiếu đi sự kiểm soát về nội dung, nó có thể trở thành cái bẫy khiến người bán đánh mất uy tín.
Theo các chuyên gia về thương mại điện tử, trong bối cảnh livestream tiếp tục phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng cần trang bị cho mình sự tỉnh táo và kỹ năng đánh giá thông tin. Không phải sản phẩm nào được quảng bá trên livestream cũng đáng tin cậy và không phải lúc nào sự nổi tiếng của người bán cũng đi cùng chất lượng sản phẩm.
Livestream có thể là công cụ kinh doanh đầy tiềm năng nhưng để sử dụng nó một cách bền vững, cả doanh nghiệp lẫn cá nhân cần đặt yếu tố trung thực và trách nhiệm lên hàng đầu. Chỉ khi làm được điều đó, livestream mới thực sự trở thành cầu nối đáng tin cậy giữa người bán và khách hàng, thay vì trở thành con dao hai lưỡi có thể “cắt đứt” chính uy tín của người sử dụng nó.
Theo Luật sư Nguyễn Hùng Quân (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, xuất xứ sản phẩm không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, doanh nghiệp mà còn có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo năm 2012.
Ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ về chất lượng, công dụng, xuất xứ sản phẩm và mức độ uy tín của đơn vị phân phối. "Đừng đặt mua chỉ vì sự hâm mộ người nổi tiếng. Nếu phát hiện sản phẩm không đúng như quảng cáo, người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng, tẩy chay và báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời", ông Quân khuyến nghị.