Đi đúng lộ trình thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm

Các sản phẩm rau của HTX rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương) bày bán trong siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc được dán tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Cùng với sự vận động của thị trường, yêu cầu đối với hàng hóa của NTD ngày càng khắt khe hơn theo xu hướng tìm hiểu sâu hơn về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, hàng hóa của tỉnh nói riêng, của Việt Nam nói chung muốn xuất khẩu sang các nước phải tuân thủ nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, đặc biệt về vấn đề ATVSTP.

Mặc dù địa phương có nhiều sản phẩm, hàng hóa đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường như mật ong, thanh long ruột đỏ, dưa lưới..., song, số lượng, sản lượng xuất khẩu của tỉnh còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế.

Nguyên nhân là do phần lớn DN trên địa bàn tỉnh là DN có quy mô nhỏ và vừa, thiết bị, trình độ công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu, hoạt động truy xuất nguồn gốc mới chỉ được một số đơn vị, DN quan tâm.

Xác định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thông qua mã hóa thông tin không chỉ giúp DN minh bạch hóa thông tin sản phẩm, NTD yên tâm lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng mà còn là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hướng tới xuất khẩu và cụ thể hóa Quyết định số 100 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa” (Đề án 100), từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 293 thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ có tối thiểu 20% các DN hoạt động trong lĩnh vực SXKD dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn Quốc gia, quốc tế... và đến năm 2030, đảm bảo kết nối các sản phẩm, hàng hóa chủ lực và đặc sản của tỉnh với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia; xây dựng hệ thống quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hoá trong tỉnh.

Nhằm đảm bảo đi đúng lộ trình triển khai Đề án, thời gian qua, Sở KH&CN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, các quy định, hướng dẫn về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, địa phương và các DN, tổ chức, cá nhân, nhận thức rõ về lợi ích của việc minh bạch thông tin, thực hiện kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia (khi vận hành).

Đồng thời, tích hợp với các sở, ngành chức năng "Xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Vĩnh Phúc" (Cổng thông tin truy xuất hàng hóa của tỉnh).

Song song thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, các ngành: Nông nghiệp, Công thương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các DN, HTX nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển thương mại điện tử…

Cụ thể, cùng với triển khai mô hình hỗ trợ tem chống hàng giả trên cây rau cho một số hợp tác xã (HTX) như HTX rau An toàn Vân Hội Xanh, HTX rau an toàn Visa, Sở NN&PTNT đã tích cực phối hợp với phòng Hợp tác Quốc tế (Cục BVTV) tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Chi cục TT& BVTV, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện, Phòng Kinh tế thành phố về xây dựng, kiểm tra, đánh giá, giám sát mã số vùng trồng bằng hình thức trực tuyến; hỗ trợ 2.000 tem truy xuất nguồn gốc cho vùng trồng chuối tại xã Liên Châu (Yên Lạc).

Đến nay, toàn tỉnh đã được Cục BVTV cấp 26 mã số vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói với tổng diện tích hơn 200 ha; trong đó, có trên 170 ha đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch đi một số nước như Úc, NewZealand, Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU…

Theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Sở KH&CN), để thành công trong việc triển khai Đề án, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp Sở KH&CN xây dựng, đề xuất danh mục sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn để triển khai truy xuất nguồn gốc; thực hiện thông tin, tuyên truyền, quản lý, giám sát, việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương; hỗ trợ tổ chức, cá nhân, DN sản xuất các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP trên địa bàn để xây dựng, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị.


Top